THÁP THỦ THIỆN – MỖI VIÊN GẠCH MANG NỖI SẦU THIÊN CỔ

Quality Travel – Đến Bình Định, nơi có thành Đồ Bàn xưa của xứ Chăm, chúng ta có dịp chiêm ngưỡng rất nhiều ngôi tháp Chăm cổ kính.

Không giống với các tháp Chăm khác, thường đứng trên đồi hoặc gò cao, thì tháp Thủ Thiện được xây cất trên một vùng đất tương đối thấp, trên bờ nam sông Kôn, cách bờ sông chưa đầy ki lô mét, thuộc thôn Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn. Xung quanh là ruộng nương, làng mạc.

Vào thế kỷ XIX, thôn Thủ Thiện có tên là Thủ Hương, nên trong sách ‘’Đại Nam nhất thống chí’’, tháp này được gọi là Thủ Hương cổ tháp.

Cửa chính vào tháp

Tháp được xây dựng trên một khối đất hình vuông, mỗi chiều 8,5m. Đế tháp cao, hơi thóp ở phần giữa, tạo dáng choãi rộng ở phía nền, phình ra trên mặt, nâng toàn bộ thân tháp.

Thân tháp là một khối trụ vuông, cửa chính mở về phía đông. Vòm cửa đã bị sập, nhưng có thể hình dung được nhờ cấu trúc ba cửa giả vẫn còn tương đối nguyên vẹn với vòm nhọn hình mũi lao xếp thành nhiều lớp.

Phần trên mỗi cửa được tạo dáng thành các ô giống như khám thờ. Chắc hẳn khi xưa, mỗi khám thờ này đều có gắn một bức phù điêu, hay tượng thần nhưng đến nay không còn nữa.

Ngăn cách giữa thân và mái, bộ diềm nhô rộng ra bốn phía. Tuy bị hư hại, dấu vết còn lại vẫn còn khá rõ để nhận ra ba tầng nóc. Các tầng có cấu trúc đồng dạng với nhau, nhỏ dần về phía trên. Ở mỗi tầng, bốn góc lại được trang trí bằng các tháp góc nhỏ nhiều tầng.

Cận cảnh chi tiết bên trong tháp Thủ Thiện

Bên trong lòng tháp có rất nhiều vết gắn phù điêu, nơi đặt tượng thờ. Đó là điểm khác biệt của tháp Thủ Thiện với tất cả các tháp còn lại ở Bình Định. Tháp có quy mô nhỏ, nhưng lại là công trình kiến trúc có kiểu dáng và phong cách mang đầy đủ nhất những yếu tố đặc trưng cho phong cách tháp Chăm Bình Định.

Các vòm cửa hình mũi lao cao vút lên, các cột ốp để trơn không trang trí, các tháp góc xếp thành nhiều tầng sít nhau. Nếu như ở các tháp khác, sự cầu kỳ, tinh tế làm nên vẻ đẹp, thì ở tháp Thủ Thiện, sự giản lược trang trí lại tạo ra vẻ đẹp trang nhã, thanh thoát.

Có lẽ ngọn tháp này cũng được xây dựng gần như cùng thời với các tháp Cánh Tiên, Thốc Lốc, Bánh Ít, nghĩa là trong khoảng từ nửa cuối thế kỷ XI sang đến nửa đầu thế kỷ XII.

Bên trong tháp

Trong nắng chiều, chúng ta tới đây, và ngậm ngùi. Cả một nền văn hóa cổ xưa đã tàn lụi, nhưng chợt rực lên trong nắng chiều…

Ta chợt nhớ tới câu thơ:

Đi đâu cô gái Phan Rang?

Dạ thưa… gánh nước về ngang Chiêm Thành…

Mặc dù, Phan Rang ở cách xa Bình Định gần ngàn cây số.

Quality Travel.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *