Du lịch trong nước, Tin tức
CÙNG QUALITY TRAVEL ĐẾN VỚI TÂY NGUYÊN HÙNG VĨ !!!
CÙNG QUALITY TRAVEL
ĐẾN VỚI TÂY NGUYÊN HÙNG VĨ
(Phần I: Gia Lai – Kon Tum)
QUALITY TRAVEL- Trong tâm trí của chúng tôi, con đường thắng cảnh và di sản qua miền đất cao nguyên hùng vỹ… luôn được hình dung như thế này. Dù thế nào, chúng ta cũng nên ghé qua miền đất Gia Lai trước tiên.
Bởi vì sao như thế? Ngoài việc Gia Lai là tỉnh lớn thứ 2 của đất nước, nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, vị trí đó thuận tiện cho việc bắt đầu con đường thắng cảnh và di sản Tây Nguyên, thì Gia Lai – Kon Tum từ xưa đã nổi tiếng là nơi xa xôi, rừng thiêng nước độc. Có thể ấn tượng đó hình thành từ cuốn sách Ngục Kon Tum, mà cái tên đó đã trở thành một biểu tượng, một thành ngữ cho sự lưu đày khắc nghiệt những con người yêu nước, cho sự xa xôi của một phương trời nào khác, cứ như không phải của nước Việt.
Nhưng không phải như thế. Tiểu quốc Jarai Charay xưa, nay đã thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum của nước Việt. Sự cách biệt được mô tả trong Ngục Kon Tum vĩnh viễn không còn nữa. Như mặt trời hàng ngày tỏa rạng trên miền đất cao nguyên nắng gió, một cảng hàng không đã được xây dựng tại thành phố Pleiku, cùng hệ thống quốc lộ như đường 14, cùng các con đường dân sinh, du lịch khác… đã làm cho Gia Lai, Kon Tum trở thành một nơi mơ ước được đến của nhiều người.
Chúng ta còn nhớ câu hát của nhạc sỹ Nguyễn Cường: Đôi mắt Pleiku biển hồ đầy… không? Nằm cách thành phố Pleiku, thủ phủ của Gia Lai, 6km về phía Bắc, biển hồ mang tên T’Nung này nguyên là miệng một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm. Biển hồ có diện tích mặt nước 240 ha, với độ sâu trung bình 16 tới 19 mét, có nơi sâu hơn 40 mét, khiến nhiều người trước đây còn tin rằng Biển hồ T’nung thông ra tận biển Quy Nhơn.
Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia biển hồ vốn là một buôn làng trù phú. Rồi động đất xảy ra, kiến cả buôn làng lớn sụt xuống. Và chính nước mắt của những người còn sống, khóc tiếc thương những người xấu số, đã đầy cả biển hồ.
Ngày nay, đi qua những con đường quanh co, phẳng lỳ, hai bên là vách đá rêu phong, hay những bụi cây kim ngân nở hoa vàng óng, những cánh rừng thông xanh thắm, chúng ta sẽ tới mép biển hồ để lặng ngắm những làn nước còn trong xanh hơn. Qua một đêm bên biển hồ, ngắm sao trời miền cao nguyên in nơi đáy nước, sáng hôm sau chúng ta như lạc vào chốn bồng lai. Sương sớm bốc lên mặt nước, giữa tiếng chim hót vang lừng, hoa đua bướm lượn. Rồi sương tan, chúng ta cùng lặng ngắm những con thuyền độc mộc ra đi trong sương mỏng. Nếu người ta ví biển hồ T’nung là con mắt của Pleiku, thì rõ ràng Pleiku là một người phụ nữ đẹp, mang một sức sống hoang dã ấm áp… gần gũi ta đó, mà cũng cách xa ta rất nhiều, Pleiku phố núi như một người phụ nữ lý tưởng của thơ ca vậy…
( Biển Hồ T’nung )
Trên dòng Sê San hùng vĩ của đất Gia Lai, ở bậc thứ ba trong chín bậc thủy điện của dòng sông này, là nhà máy Thủy điện ngầm lớn nhất Việt Nam, thủy điện Yaly. Tuy là một công trình công nghiệp, nhưng dưới bàn tay khéo léo của những kỹ sư thiết kế, những người thợ, thủy điện Yaly đã trở thành một thắng cảnh với lòng hồ, đập tràn, kênh dẫn nước, đường ngầm, đập xả lũ… Con đường thắng cảnh và di sản Tây Nguyên của chúng ta nên ghé vào đây, xuống thuyền độc mộc, đi trên dòng Sê San, và từ dưới sông với dòng nước trong xanh, chúng ta cùng ngắm những dãy núi trùng điệp của Tây Nguyên… Nếu có dịp như thế, từ Yaly trên sông Sê San, các bạn gửi thư hay tin nhắn chia sẻ cảm xúc về cho chúng tôi nhé…
(Thủy Điện Yaly )
Từ biệt Gia Lai, chúng ta cùng theo quốc lộ 14 ngược lên chút nữa, tới với miền đất Kon Tum. Và ngay ở thành phố Kon Tum, chúng ta sẽ cùng dừng lại, và viếng thăm Nhà thờ Chính tòa Kon Tum. Bởi vì đã từ lâu, chúng ta đã nghe kể rất nhiều về nhà thờ gỗ Kon Tum nổi tiếng mỹ lệ này. Nhà thờ gỗ Kon Tum được xây dựng từ năm 1913, hoàn thành năm 1918, và vẫn còn tồn tại nguyên vẹn tới ngày hôm nay. Nhà thờ Chính tòa Kon Tum này do một vị linh mục người Pháp khởi xướng và thiết kế. Kiến trúc của nhà thờ là sự hài hòa giữa kiến trúc Roman và đường nét của nhà sàn gỗ của người Bah Nar bản địa.
Vật liệu để xây dựng nhà thờ cũng rất đặc biệt, không phải bằng đá như nhà thờ đá Phát Diệm, cũng không phải bằng gạch hay bê tông cốt thép như những nhà thờ khác, mà hoàn toàn bằng thứ gỗ tốt nhất thời bấy giờ. Cà chít (sến đỏ) – loại gỗ đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, đã được sử dụng chủ yếu trong việc xây dựng nhà thờ. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đến từ xứ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… công trình đã được dựng lên, các tấm gỗ được kết dính với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng đinh. Nhà thờ là công trình kiệt tác bằng gỗ mang phong cách Basilica duy nhất còn lại trên thế giới.
( Sân trong nhà thờ gỗ Kon tum )
Toàn bộ nhà thờ là một công trình khép kín với bố cục hài hòa bao gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày, nhà rông, cô nhi viện, cơ sở mộc, cơ sở may, dệt thổ cẩm.
( Bên trong nhà thờ gỗ Kon Tum )
Nhà thờ luôn mở cửa để du khách vào tham quan hàng ngày. Trong khuôn viên có đặt tượng Đức Cha Martial Jannin Phước, vị Giám mục đầu tiên tại Kon Tum. Đây là một vị giám mục người Pháp, ông đã có công lớn trong việc truyền đạo và thiết lập Giáo phận Tông Tòa Kon Tum.
Phía bên ngoài, mặt chính của nhà thờ cao 24m,chia thành bốn tầng, càng lên cao càng nhỏ dần. Tầng 2 có các khung kính tạo thành ô cửa sổ hình tròn, làm nên vẻ rực rỡ cho nhà thờ. Trên đỉnh là một cây thánh giá bằng gỗ thể hiện sự uy nghiêm nơi thánh đường.
Bước vào giáo đường chúng ta sẽ cảm thấy thán phục những con người đã xây dựng lên công trình kiệt tác này. Những hàng cột được gắn kết với nhau bằng các vòng cung tạo thành hình vòm, mở ra một không gian rộng, cao và thoáng. Trên những cột gỗ đen bóng được trang trí nhiều họa tiết độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao nguyên đầy nắng gió, đem đến một cảm giác hết sức gần gũi.
Bạn cùng chúng tôi có thể đến khám phá ngôi nhà thờ độc đáo này bất cứ vào thời điểm nào trong năm. Nếu đến vào mùa hoa đậu nở, chúng ta sẽ cùng bắt gặp sắc hồng xen lẫn trắng của những con đường hoa trải dài. Nếu đến vào dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt khi nơi đây, hội tụ hàng ngàn giáo dân từ các nơi trong vùng về đây dự lễ, cầu nguyện. Trong những ngày lễ còn diễn ra những phiên chợ nhỏ, bày bán những sản phẩm thủ công do chính người dân từ các buôn làng làm ra. Nếu đến nhà thờ vào những ngày bình thường, chúng ta sẽ cùng cảm nhận được sự bình yên, trầm mặc mang nét gì đó rất riêng, làm tâm hồn chúng ta thư thái hơn, sau những bộn bề cuộc sống ngoài kia.
Tạm biệt công trình Nhà thờ Chính tòa Kon Tum, chúng ta cùng ghé thăm cây cầu treo thuộc địa phận làng Kon Klor, thành phố Kon Tum, bắc ngang dòng Đắk Bla. Với chiều dài 292 mét, rộng 4,5 mét, Kon Klor là cây cầu treo công nghiệp to đẹp nhất Tây Nguyên.
Cầu treo Kor Klor gây ấn tượng với du khách với màu cam nổi bật giữa cái nắng vàng có phần oi ả của cao nguyên. Chiếc cầu in bóng uy nghi dưới dòng nước sông Đắk Bla phẳng lặng. Bao quanh chiếc cầu là những ngọn núi cao hùng vĩ được bao phủ bởi những nương dâu xanh rì của người dân Kon Tum.
( Cầu treo Kon Klor )
Những buổi chiều tà, sau một ngày lao động vất vả, người dân bắt đầu vội vã trở về nhà bên những xe bò chở đầy khoai mì, thu hoạch trong ngày. Trước đây, khi cầu treo Kon Klor chưa được xây dựng, người dân Kon Tum mỗi khi muốn đi sang bờ kia đều phải dắt trâu bò của mình lội qua sông. Những hôm nước lên cao phải chèo thuyền vượt qua sông, vô cùng vất vả và nguy hiểm
Nhưng với sự xuất hiện của chiếc cầu treo Kon Klor, cuộc sống người dân Kon Tum đã thay đổi đáng kể. Người dân bắt đầu vận chuyển thực phẩm và hàng hóa giữa hai bờ dễ dàng hơn. Trẻ con hằng ngày tới trường cũng không phải đi trên thuyền nguy hiểm, mà có thể thoải mái vui đùa trên chiếc cầu lớn vắt qua dòng sông quê hương. Việc xây dựng cây cầu Kon Klor không chỉ mang giá trị văn hoá, đưa người dân bên hai bờ đến gần nhau hơn mà còn có những giá trị kinh tế lớn khi giúp cho việc giao thương trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn.
Bước qua phía bên kia cầu, bạn có thể ghé thăm làng dân tộc Bah Nar, với những nét truyền thống văn hoá đặc trưng. Những ngôi làng được bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn của những vườn chuối, vườn cà phê, tạo nên một khung cảnh làng quê thanh bình và đặc sắc khó quên. Khi đêm xuống, bạn hãy thử trải nghiệm sinh hoạt văn hoá với người dân nơi đây, bên bếp lửa bập bùng, và nhấm nháp những chén rượu cần nồng ấm. Chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được sự thân thiện và mến khách của con người tại xứ sở nơi đây.
Đến đây, bài ký đã dài, chúng tôi xin kết thúc phần thứ nhất khám phá Gia Lai – Kon Tum. Ở phần II, con đường thắng cảnh và di sản Tây Nguyên của Quality Travel sẽ dành để khám phá vùng đất Đăk Lăk nổi tiếng. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của Quality Travel.