Cẩm Nang Du Lịch, Tin tức
NGẨN NGƠ CỒN PHỤNG…
Quality Travel – Trên dòng Tiền Giang, ngay dưới chân cầu Rạch Miễu, có bốn cù lao, tên gọi theo tứ linh: long lân quy phượng.
Cù lao hay cồn Phụng (hay Phượng) còn có tên là cồn Tân Vinh. Cồn Phụng Bến Tre lúc đầu chỉ là một cù lao nổi giữa sông Tiền vào những năm 1930 với diện tích khoảng 28 ha, nhưng do lượng phù sa bồi đắp dồi dào mỗi năm mà nay đã lên tới trên 50 ha.
Tên Cồn Phụng có từ khi ông Nguyễn Thành Nam đến đây xây dựng chùa Nam Quốc Phật vào hồi đầu thế kỉ XX. Khi công trình này đang xây dựng, những người thợ nhặt được một cái chén cổ có hình con chim Phụng, nên đặt tên là Cồn Phụng.
Ngoài ra, cồn còn có tên gọi khác là cù lao Đạo Dừa là do ông Nguyễn Thành Nam khi đến đây xây chùa Nam Quốc Phật, đã thành lập nên một giáo phái gọi là Đạo Dừa. Đạo Dừa chủ trương mang lại hòa bình, sống bằng hoa trái.
Cồn Phụng là nơi tiên phong khai thác thân cây dừa, ban đầu chỉ là hàng gia dụng, rồi tiến tới hình thành một làng nghề mỹ nghệ dừa và sau đó lan rộng cả tỉnh Bến Tre.
Đến đây, ai ai cũng thật sự được gần gũi với thiên nhiên, khám phá cuộc sống dân dã miệt vườn của người dân địa phương, tham gia các thú vui dân gian như : câu cá giải trí, câu cá sấu, be mương bắt cá, chèo thuyền, các trò chơi dân gian sông nước, tắm sông, đi xe đạp, đi xe ngựa trên đường làng, tham quan vườn trái cây, chiêm ngưỡng nét đẹp quyến rũ của vùng đất Tứ linh.
Ngoài ra, chúng ta tham quan khu nuôi ong lấy mật, cơ sở sản xuất kẹo dừa, nơi làm đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa và hái trái cây trong miệt vườn. Xong rồi thì thưởng thức luôn và nghe đờn ca tài tử Nam bộ.
Với người tới từ miền Bắc, đến cồn Phụng chúng ta sẽ có dịp chứng kiến tài nghệ của các cô gái Bến Tre, tóc đen dài bay trong gió sông Tiền. Các cô ấy leo hái dừa dứa, rồi cầm con dao, phạt đúng ba nhát là trái dừa thủng một lỗ.
Các cô ấy sẽ mời bạn nếm thử với một nụ cười của người em gái miền Tây… Rồi bạn sẽ tự hỏi, chẳng biết hương vị của nước dừa có vị trái dứa hay nụ cười kia làm bạn xao xuyến…
Quality Travel.