Nơi Ta Đã Qua Người Ta Đã Gặp, Tin tức
NHỚ TÀ ÁO HUẾ NĂM XƯA…
Quality Travel – Nhớ có lần ở Huế, chúng tôi thả bộ trên con đường Đoàn Thị Điểm, ai đó bỗng thốt lên:
– Nghe kìa: “Đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”.
Giọng hát tình tứ của Tuấn Ngọc phối với Bằng Kiều bỗng dưng khiến ngẩn ngơ nhớ về một thời…
Bao nhiêu người vì hoài niệm Huế với những con đường tình của Trịnh Công Sơn mà đi tìm “đường phượng bay” trong tác phẩm Mưa hồng. Nó là con đường nào phút chốc tạo cảm hứng cho nhạc sĩ viết nên những âm thanh ngọt ngào đó?
Và người đã cất công tìm đến Huế sẽ hiểu ngay đó là con đường có phượng, có những tà áo dài xứ Huế, tà áo dài của nữ sinh Đồng Khánh với mái tóc thề xõa ngang lưng, đã dệt nên những cảm hứng của Mưa hồng. Mà những con đường đẹp nhất ở Huế đều có những thứ đó.
Một buổi trưa, chúng tôi chọn “đường phượng bay” của mình là đường Đoàn Thị Điểm, con đường mang tên trang giai nhân giỏi thơ phú văn chương. Con đường là chốn dạo gót của biết bao tà áo trắng ngày qua ngày đi về ngôi trường Hai Bà Trưng, tên gọi mới của trường nữ trung học Đồng Khánh nức tiếng thuở nào.
Bao nhiêu năm qua, dáng áo dài của nữ sinh Đồng Khánh không chỉ tạo nên một sắc thái tuyệt đẹp trong nhạc Trịnh, nó còn vào tranh sơn dầu của họa sĩ Bửu Chỉ, Đinh Cường, tranh lụa của họa sĩ Thái Tuấn và biết bao tác phẩm nghệ thuật của người yêu Huế.
Theo thời gian, màu sắc tà áo dài nữ sinh Đồng Khánh cũng ít nhiều thay đổi. Đầu tiên là màu trắng, những năm 1960 lại là màu tím và màu xanh da trời, để rồi một thời gian sau lại quay trở lại màu trắng.
Mà cho dù màu nào thì tà áo dài ấy vẫn làm xao xuyến người ta ngày nay và những ngày sau. Dáng con gái Huế trong thơ ca nhạc họa vẫn muôn thủa với tà áo dài, đều là vóc dáng mỏng mảnh yêu kiều, không có một vẻ đẹp nào thay thế nổi.
Áo dài gắn với người Huế ra sao? Có dịp quen một vài phụ nữ nổi tiếng xứ Huế, tôi cảm nhận hình ảnh của họ giống như biểu tượng của văn hóa đất thần kinh.
Vẻ đẹp đó kết hợp giữa cái thông minh lịch lãm và sự tao nhã của tà áo dài – mà họ chọn như thứ trang phục duy nhất. Người luôn để cho tôi ấn tượng sâu sắc là bà Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam.
Muốn gặp bà tại ngôi nhà vườn Lạc Tịnh Viên nổi tiếng phải báo trước. Tôi đã xúc động biết bao khi được bà tiếp đón rất lịch sự. Với lớp áo dài trang trọng, bằng chén trà gừng, căn nhà đầy hoa lá và câu chuyện nồng hậu.
Khi được trò chuyện với bà, tôi cảm được những gì tinh túy nhất mà Huế đã cô đọng lại trong chân dung người phụ nữ hoàng tộc này. Bà luôn đón khách với áo dài vàng, may từ lụa tơ tằm, tôn vẻ đẹp nền nã kín đáo.
Bà Khánh Nam nói rằng: “Với áo dài truyền thống Huế, cổ cao kín đáo, ôm lượn sát eo người đủ sức làm bất cứ ai trở nên trang nhã và sang trọng”.
Không chỉ ở bà Khánh Nam, bà Ngô Vũ Bích Diễm, tức là “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn, sau 40 năm trở về cố đô cũng xuất hiện trong màu áo dài tím Huế pha chút màu sương khói cách điệu…
Áo dài Việt đã trải qua bao thời kỳ cách tân, từ năm tà thành hai tà nhờ sự sáng tạo của một nhà thiết kế thời trang Việt năm 1939, rồi từng theo phong trào áo dài cổ thuyền Trần Lệ Xuân đến áo dài hippy tà nhỏ, ngắn cho các nữ sinh nghịch ngợm.
Điều tôi ngạc nhiên là những gì đọng lại từ chiếc áo dài đã làm cho nó có sức sống vượt qua bao thăng trầm của lịch sử để tồn tại.
Những năm tháng chiến tranh, các đô thị miền Nam phải trải qua những lúc “đại bác đêm đêm dội về thành phố”, nhưng ban ngày trường học nắng vẫn lóa trên tà áo dài tha thướt.
Áo dài trắng khi ấy cho con người niềm hy vọng. Dường như đâu đây hòa bình đã cận kề! Chiếc áo dài giống như thân phận con người, lúc thăng lúc trầm, lúc lộng lẫy, lúc duyên dáng, nhưng áo giúp cho người mặc thích hợp mọi nơi, mọi chỗ.
Một thời ở Huế, chị bán đậu hũ dạo cũng mặc áo dài ra đường, cũng để lại trong ta nét bồi hồi, xao xuyến, như khi ta ngắm nhìn tà áo dài của các nữ sinh Đồng Khánh thướt tha với tóc thề, với gió sông Hương, với ánh nhìn dưới những vành nón trắng…
Quality Travel.