Nơi Ta Đã Qua Người Ta Đã Gặp, Tin tức
MỘT KỶ NIỆM CŨ HÀ NỘI…
Quality Travel – Bản concerto số 4 cho đàn violin của Paganini lại vang lên từ chiếc máy nghe nhạc cũ kỹ. Bên ngoài cửa sổ, gió lạnh về từng cơn làm những mảnh kính đã long ra khỏi khuôn cửa, cứ rung lên từng hồi khe khẽ. Tấm kính hoa nổi từ thời nhà nước bảo hộ, luôn biến bầu trời và những cành cây bên ngoài thành một bức tranh như được nhìn qua lớp nước.
Nó có cảm giác như đang chìm xuống đáy nước, giống ngày chết đuối hụt thời thơ ấu. Nhưng lần này, nó phát hiện ra, bức tranh bên ngoài trời đầy gió đẹp khôn tả. Những cành cây khô khẳng quằn quại theo gió, dường như đang phát ra dòng âm thanh kia, chứ không phải một ông nhạc sĩ nào viết ra nổi, hay một dàn nhạc nào đang trình tấu, hay một cái máy hát khốn khổ già nua đang cố ngân lên…
Những cành cây khô khẳng ấy vật vã theo cơn gió mùa đông lạnh lẽo, khiến nó nhớ những ngón tay thon thon trắng trẻo của chị, cũng quằn quại như thế trên phím đàn violin ngày xa xưa…
Chị ở gần nhà nó, đôi mắt u uẩn như mái ngói cũ của một ngôi nhà Hà Nội xưa. Cha mẹ chị là những người thợ thủ công khéo nghề và chăm chỉ. Họ lao động nhiều năm nhiều tháng, và có cuộc sống tạm no đủ. Cái hạnh phúc của người thợ là như thế. Họ còn hạnh phúc hơn khi có chị, người con gái gần út, bỗng dưng khác hẳn cha mẹ và các anh chị em trong nhà.
Chị như bông hoa lạ mà Trời cao đột nhiên gửi xuống mái nhà này. Chị không học nghề thủ công của gia đình, chị học đàn violin. Cũng không rõ người ta đánh giá về ngón đàn của chị thế nào, nhưng lần nào cũng thế, nó nghe chị đàn, và thấy chị đang cuốn theo nó vào một ngọn lửa xa lạ, không hề thuộc về thế gian này. Nó chỉ mường tượng như thế, trong lòng tràn ngập một nỗi lo âu mơ hồ…
Rồi nỗi lo âu ấy thành sự thực. Ngôi nhà hai tầng cha mẹ chị ky cóp cả đời dựng lên, bỗng dưng bị kiểm tra hành chính – cái từ mà chỉ những người thời đó ở Hà Nội mới hiểu, và ngôi nhà bị tịch thu. Cả nhà chị mất hết vốn liếng và phương kế sinh nhai. Họ dắt díu nhau ra đi lên miền núi làm kinh tế mới vào một ngày đông cuối năm…
Từ đó không còn tiếng đàn nữa. Thi thoảng có người anh của chị ghé qua nhà cũ, kể đôi câu chuyện. Chị sống cô độc. Chị cũng có lúc mang cây đàn ra, nhưng chỉ nhìn rồi thở dài cất đi. Bàn tay đốt lên dòng lửa âm thanh của nghệ thuật cao cấp ngày xưa, không thể là bàn tay chẻ củi, xách nước, hay chặt cây trên rừng được… Nghệ thuật cao cấp không thể ra đời từ lao động được, nó là kết quả của mặc khải, suy tưởng từ những con người đã được Trời cao lựa chọn.
Một năm chị lấy chồng. Lấy đầu năm, thì cuối năm chị đẻ non, và chết trong một trạm y tế tồi tàn miền sơn cước.
Hàn Thủy Giang.