Cẩm Nang Du Lịch, Tin tức
ĐIỂM CỰC ĐÔNG: MŨI ĐÔI XA NHẤT, MŨI ĐIỆN NẮNG TRƯỚC
Quality Travel – Cái rắc rối này gây tranh cãi, thậm chí sách giáo khoa phải sửa, và người ta cũng đưa ra vài kiến giải khoa học, nhưng rốt cuộc lại hóa ra hay, anh em phượt thủ hay du khách lại có tới những hai nơi để chinh phục. Một là mũi Điện Phú Yên, hai là mũi Đôi Khánh Hòa.
Với vị trí đặc biệt tại thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, mũi Điện là nơi đầu tiên trên đất liền lãnh thổ Việt Nam đón ánh bình minh đầu tiên.
Con đường núi quanh co dọc biển dẫn tới ngọn hải đăng Mũi Điện nổi tiếng. Ngọn hải đăng này do người Pháp xây dựng từ thời Đông Dương vàng son, từ những năm cuối thế kỷ 19, có tên là hải đăng Đại Lãnh. Trải qua nhiều thăng trầm, tới năm 1997, ngọn hải đăng hoạt động trở lại, với ánh sáng chiếu xa 27 hải lý, là điểm định vị quan trọng trên bản đồ hàng hải quốc tế.
Mũi Điện nằm vươn mình ra biển, đón lấy nắng, lấy gió của từ trùng khơi, để làm nên màu xanh tươi mát của mình. Cảnh đẹp nơi đây cũng từng được ca ngợi hết lời qua những thước phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Để lên được đến đỉnh, chúng ta sẽ cần phải đi bộ theo những lối đi nhỏ, uốn lượn quanh sườn núi. Những người đến đây sẽ có cơ hội khám phá, tìm hiểu về những vùng đất mới, cắm trại qua đêm, để sáng ngày hôm sau, có thể đón những tia nắng đầu tiên chiếu xuống mặt đất.
Mũi Điện có núi, có biển. Bãi biển Bãi Môn ngay sát dưới chân núi từ lâu đã là điểm du lịch yêu thích của bất cứ ai mỗi lần đến thăm nơi đây, bởi sự yên tĩnh, thanh vắng mà nó mang lại. Bờ biển rộng rãi, bãi cát trải dài, nằm phơi mình dưới ánh nắng cùng những con sóng từ đại dương xanh mát, mang theo cơn gió thoảng chút mùi vị tươi mát của biển cả.
Nằm xa hơn mũi Điện Phú Yên về phía Đông là mũi Đôi thuộc Khánh Hòa. Ta có thể kiểm tra chỉ bằng mắt thường trên bản đồ Google.
Mũi Đôi nằm ở bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, còn có tên nữa là mũi Bà Dầu. Mũi Đôi thực sự là những kiệt tác đá được thiên nhiên điêu khắc giữa đất trời lộng gió trùng khơi.
Chính vì nằm trên mũi đá nhô ra ở bán đảo, nên có hai đường tới mũi Đôi, là đường bộ và đường biển đi tắt. Dĩ nhiên đường bộ đi vất vả hơn, cần chuẩn bị kỹ càng hơn. Nhưng đường biển cũng phải đi vào mùa biển êm, nếu không sóng to thuyền rất khó cập vào bờ mũi Đôi, nơi vốn có nhiều đá ngầm. Đường tới Mũi Đôi hiểm trở hơn Mũi Điện, phải nhảy gành đá, và leo núi, không phải ai cũng chinh phục được, và lần nào cũng chinh phục được.
Thời tiết tại đây có hai mùa mưa, nắng. Mùa mưa thường ngắn, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, nhưng tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11. Từ tháng 1 đến tháng 8 là mùa khô, thời tiết mát mẻ, nhất vào khoảng tháng 1-5, thời gian còn lại trời nóng, nhiệt độ có thể lên tới 34-38 độ C. Nếu có thể, chúng ta nên sắp xếp thời gian chinh phục mũi Đôi vào khoảng đầu năm, trời mát, ít mưa, sẽ không quá mệt mỏi và vất vả.
Còn vì sao có sự tranh cãi giữa mũi Đôi Khánh Hòa và mũi Điện Phú Yên?
Về lý thuyết, điểm cực đông trên đất liền thuộc địa phận Mũi Đôi tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, trục của trái đất từ Nam cực tới Bắc cực không song song với trục của mặt trời, mà nghiêng một góc 23,5 độ. Vì vậy, mật độ ánh sáng của một điểm bất kỳ trên trái đất sẽ thay đổi theo chu kỳ một năm. Khi đó, Mũi Điện ở độ cao 85m so với mực nước biển sẽ đón bình minh trước Mũi Đôi, thêm nữa mũi Đôi còn bị che khuất bởi Hòn Đôi (Hòn Đầu) ở phía trước.
Quality Travel