THƯƠNG ĐẤT PHÙ SA

Quality Travel – Ở vào độ tuổi tri thiên mệnh, nhiều khi tự hỏi, giờ đây mình nhớ thương gì nhất (?). Ừ… Khi chiều buông xuống, ngồi bên hồ trong xanh, ngắm mây trời vần vũ quanh đỉnh núi, mình vẫn băn khoăn. Rồi đôi khi đang mê mải đọc sách, chợt thấy như có gì thảng thốt, mình gấp sách lại, ưu tư…

Rồi một câu thơ của người bạn chợt hiện về:

Trên đất xám ngả buồn nâu thân thuộc

Giá đang tan, giọt mưa nguyện cầu…

Câu thơ này người bạn chợt bật ra khi đưa mình về thăm quê hương Kim Sơn, Phát Diệm của anh. Câu thơ khiến mình đưa mắt nhìn đất cày quê anh, một màu nâu sẫm mỡ màng vừa được cày tung lên, để ải, rồi chuẩn bị tháo nước vào gieo thóc. Nhớ tới đây, mình đã nhận ra, bấy lâu nay mình vẫn thương màu nâu ấy của đất, đúng hơn là niềm thương đất cày vẫn khắc khoải chảy trong tiềm thức mình, mà ý thức cứ đoán mãi không ra.

 

Trên thế giới, những nhà nghiên cứu nông nghiệp, thậm chí cả một số chuyên gia kinh tế nữa, luôn ngợi ca một loại đất bề mặt của trái đất có khả năng canh tác. Các nhà khoa học đánh giá, đất đó là báu vật của trần gian. Đất nước nào có nhiều đất đai canh tác được, đặc biệt là canh tác lúa, thường có khí hậu ôn hòa, mưa nắng đúng thời vụ. Và họ nói, nếu con người làm hỏng đất đó, là tội ác không chỉ với con người, mà còn với vũ trụ này. Có nhà văn từng viết: ‘’Tới khi đất canh tác không còn trồng lúa, thay vào là các nhà máy, chúng ta mới nhận ra chúng ta sống giữa một đống đồ vật tiện nghi, mà chẳng có gì để ăn’’.

 

Một đất nước được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều đất canh tác, đất phù sa, khí hậu thuận hòa, thì người dân no ấm, tính nết hiền lành. Đất nước đó còn có nghĩa vụ với các nước khác không có điều kiện canh tác như mình, qua việc trao đổi hàng hóa nông nghiệp. Bởi đất phù sa dù ở đâu, cũng là góp phần chính nuôi sống toàn nhân loại.

Việt Nam quê hương chúng ta có câu ca:

Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng…

Chỉ bằng câu hát ru thời thơ ấu ấy thôi, mà đủ ngợi ca đồng đất phù sa, hai vụ chiêm mùa, đã nuôi chúng ta cả đời, đã nâng giấc chúng ta từ thời thơ ấu. Lúc khắc nghiệt nhất, như chính những ngày này, nhìn đồng đất Nam Bộ nẻ toác trong hạn hán, thử hỏi có ai không đứt từng khúc ruột? Sự ích kỷ, cục bộ của con người đang giết chết dần đất phù sa canh tác, ở khắp nơi trên thế giới.

Ngày nào chúng ta còn ăn cơm, ăn ngô lạc đậu vừng… ngày ấy trái tim còn thống thiết một niềm thương đất phù sa.

Tổng hợp những hình ảnh về cánh đồng lúa chín đẹp

PHÚC TRIÊM

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *