LỄ NHẢY LỬA NGƯỜI PÀ THẺN

Quality Travel – Đồng bào Pà Thẻn hiện nay sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao ở các huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình – Tuyên Quang, Bắc Quang và Quang Bình – Hà Giang.

 

Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn thường được tổ chức hàng năm, nhằm lúc giao thời năm cũ và năm mới. Vào dịp thu hoạch vụ mùa, khoảng tháng 10 tháng 11 âm lịch đến ngày rằm tháng giêng. Theo quan niệm của đồng bào, tổ chức lễ nhảy lửa lúc này nhằm tạ ơn trời đất, thần linh đã cho một mùa vụ tươi tốt, và cũng cầu chúc cho một vụ mùa năm sau. Cũng cầu xin thần lửa sẽ mang lại sự ấm áp, may mắn, xua đi cái khắc nghiệt của mùa đông đang tới. Để có thể tổ chức lễ hội, thầy mo phải làm lễ để xin phép tổ tiên, xin phép thần lửa, thần nước cho dân làng được tổ chức trò chơi.

Một đống lửa lớn được đốt lên trên khoảng sân rộng, và thầy mo bắt đầu làm lễ. Trong 30 đến 40 phút đầu, thầy mo sẽ ngồi trên chiếc ghế dài, thực hiện các bài ca nghi lễ với nội dung mở đường lên trời tìm “con ma”, rồi gọi về nhập vào những người tham gia nhảy lửa. Khi thầy mo gõ đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên một sẽ ngồi đối diện với thầy, và đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa.

Khi thầy mo kết thúc các nghi lễ ban đầu, thì cũng là lúc cơ thể của những người tham gia nhảy lửa bắt đầu rung lên. Thời điểm này báo hiệu họ sắp có sức mạnh từ thần linh, sắp có sự dũng cảm để nhảy vào những đám than hồng đang ở độ rực rỡ nhất, nóng bỏng nhất.

Păng…păng…păng… tiếng gõ đều đều của thanh tre trong tay thầy mo mỗi lúc một thôi thúc, các động tác lắc lư của các chàng trai mạnh dần. Họ bắt đầu bật lên, cúi người, nhảy lò cò và tiến ra gần đống lửa. Một nguồn năng lượng nào đó nâng bổng người thanh niên nhảy bật lên bằng cả hai chân, và lao vào giữa đống lửa cháy rừng rực.

Càng lúc thanh niên tụ tập xung quanh thầy mo càng nhiều và lần lượt thay nhau ngồi lên chiếc ghế dài. Trong phút chốc họ lại rung lên và nhảy vào đống lửa. Điều đặc biệt, họ vừa nhẩy vừa đưa tay bới tung than hồng, thỉnh thoảng lại bốc lên một viên than cho vào miệng nhai.

Cứ hai mươi phút lại có một đợt nhảy, vũ điệu nhảy lửa càng về sau càng sôi động. Dần dần, không chỉ có các thanh niên trực tiếp làm lễ xin phép tham gia, mà ngay cả khán giả reo hò xung quanh cũng nhập cuộc. Nhưng theo quan niệm của đồng bào Pà Thẻn, lễ nhảy lửa chỉ dành cho nam giới, nữ chỉ ngồi quanh cổ vũ. Nếu nữ mà nhảy thì sẽ bị nhảy liên tục bảy ngày bảy đêm không sao dừng được.

 

Ở đợt nhảy cuối cùng, chính thầy mo, linh hồn của buổi lễ cũng thăng hoa mạnh mẽ, tung lên những bước nhảy vào đám lửa rực cháy. Màu áo đỏ hòa với màu than hồng tực rỡ tạo màu sắc cho buổi lễ hội thêm mê hoặc.

 

Không có bất cứ một vật dụng nào để lót cho đôi chân của những chàng trai ấy. Có chăng đó chỉ có thể là lớp da dày sau nhiều ngày đi bộ, rong ruổi nơi dốc cao, suối sâu của đại ngàn, khiến họ không hề bị bỏng rát. Và còn nhờ chính sức mạnh huyền bí của thần linh Khi lửa đã tàn, than đã nguội, ông thầy cúng lại làm lễ để tiễn “thần lửa” và các con ma về chốn cũ. Cả ông thầy và những người tham gia nhảy lửa lại trở về trạng thái bình thường.

 

Ngoài đồng bào Pà Thẻn thì đồng bào người Dao ở Hoàng Su Phì – Hà Giang cũng có văn hóa nhảy lửa như thế.

 

Nếu có dịp, ta thử một lần đến với Chiêm Hóa, Lâm Bình – Tuyên Quang, hay Bắc Quang – Hà Giang để tận mắt chứng kiến, và nếu có thể, cầu sức mạnh thần linh cho ta chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân, thử hòa nhập vào sự tinh khiết, thăng hoa thần thánh của ngọn lửa.

 

Quality Travel

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *