HÀ GIANG – CON ĐƯỜNG TRẢI TỪ THUNG SÂU LÊN CỔNG TRỜI

                 HÀ GIANG – CON ĐƯỜNG TRẢI TỪ THUNG SÂU LÊN CỔNG TRỜI

 

Quality Travel – Nhắc tới Hà Giang là nhớ tới cao nguyên đá Đồng Văn, miền cao nguyên đá lạnh đã được UNESCO công nhận và gia nhập vào Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào cuối năm 2010. Nhưng cũng nhân đây, chúng tôi muốn kể một chút về câu chuyện Hà Giang cho các bạn nghe, trong khi tất cả chúng ta cùng rong ruổi trên những cung đường Tây Bắc.

Vào trước những năm 1960, để tới được bốn huyện vùng cao nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn, là các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, chỉ có những con đường mòn đủ cho người và ngựa thồ hàng đi lên. Kể như thế thì các phượt thủ hẳn rất thích cho các chuyến du lịch mạo hiểm khám phá của mình. Nhưng cuộc sống dân sinh của hàng vạn đồng bào trên cao nguyên đá lại không thể như thế được. Sự tách biệt không chỉ dìm đồng bào trong đói nghèo, lạc hậu, mà còn bị nhiều thế lực xấu lợi dụng gây chia rẽ.

Khởi công ngày 10.9.1959, và hoàn thành ngày 20.3.1965, với hơn hai triệu ngày công, 14 thanh niên xung phong đã vĩnh viễn nằm lại miền cao nguyên đá lạnh, con đường lên cao nguyên đá mang tên Hạnh Phúc, hay trong bản đồ giao thông quốc gia có ký hiệu là quốc lộ 4C, với chiều dài gần 200 km, đã hoàn thành.

Cuộc sống của hơn 8 vạn đồng bào ngày ấy, từng ‘’sống trên đá, chết vùi trong đá’’ ở bốn huyện miền cao xa xôi, đã thay đổi hoàn toàn. Con đường Hạnh Phúc đã khiến đời sống kinh tế xã hội nơi đây thay đổi từng ngày. Một trong những thay đổi đó, là con đường đã thu hút hàng triệu triệu khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế miền cao. Đó cũng chính là con đường thắng cảnh và di sản mà chúng ta đang đi hôm nay.

Nào. Chúng ta rời Hà Giang khoảng 43 km, tới với điểm đầu tiên của con đường Hạnh Phúc, chính là cổng trời Quản Bạ. Ở độ cao 1500 mét so với mực nước biển, cổng trời nằm giữa hai đỉnh núi, và hạ vừa thấp cho vừa một con đường. Cổng trời có một vị trí vô cùng đẹp, xa xa trước mặt là hình ảnh núi đôi Cô Tiên, với hình dáng như hai bầu ngực của người phụ nữ, tròn trịa, căng phồng, mờ mờ ảo ảo trong sương mù, và những tia nắng đón chào ngày mới. Đứng ở trên đỉnh thì mây núi sương mù hòa quyện lại với nhau, tạo nên một chốn bồng lai tiên cảnh.

Tiếp tục đi theo đường Hạnh Phúc, hay quốc lộ 4C, chúng ta sẽ vào trung tâm của cao nguyên đá. Từ Quản Bạ, qua Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, ấn tượng đọng lại là những dãy núi xám ngắt, đá tai mèo nhọn hoắt, người ta ví là thiên đường xám Hà Giang quả không sai.

Đá dựng thành những hàng rào vững chắc, uốn lượn ôm trọn lấy những ngôi nhà nhỏ, những nương ngô, nương rau. Những viên đá vốn thô ráp, gồ ghề, đầy góc cạnh đã được bàn tay tài hoa của những người đàn ông trong gia đình lựa chọn, sắp xếp một cách khéo léo, mà không cần dùng tới xi măng hay bất cứ chất liệu kết dính nào, để tạo thành những hàng rào đá vững chãi, chắc chắn và độc đáo. Bởi vậy, mà người ta thường nói rằng hàng rào đá của người Mông thể hiện sự chu đáo của người đàn ông với gia đình. Hàng rào đá càng đẹp, càng cao thì càng chứng minh được ngôi nhà ấy có một người đàn ông trụ cột tuyệt vời.

Xen lẫn với màu xám ngắt của đá là màu xanh tươi của những ruộng ngô, màu vàng óng của những nương lúa, như tượng trưng cho tinh thần không chịu khuất phục của con người nơi vùng đất “mở mắt ra là đá, bốn bề đều là đá”.

Cuộc sống của người dân ta có thể quan sát dọc hai bên đường. Còn cuộc sống của quý tộc vùng cao thì ta có thể hình dung được khi qua thăm Dinh thự họ Vương, hay gọi nôm na là Dinh Vua Mèo Vương Chính Đức. Khu dinh thự này có tuổi đời hơn 100 năm, với lối kiến trúc của Trung Quốc pha trộn với kiến trúc Pháp và theo lối xây dựng của người H’Mông. Trong cái không gian trầm mặc của núi rừng, và sự trầm mặc của cả một độ lùi của lịch sử, chúng ta có thể hình dung phần nào cuộc sống, cùng nhiều biến cố đã xảy ra ở miền núi cao hẻo lánh này, trước đây… Với nhiều người, cũng giống như chúng ta đang đọc một cuốn tiểu thuyết lịch sử vậy.

Mang cảm giác khám phá văn hóa khi gặp không gian Dinh thự họ Vương, chúng ta lại ngỡ ngàng khi theo con đường Hạnh Phúc mà lạc vào phố cổ Đồng Văn. Quả đúng là phải dùng từ lạc vào. Cũng hàng trăm năm tuổi đời, phố cổ với những ngôi nhà mái ngói cổ, làm nên những không gian sống thơ mộng trong hình dung. Còn ngoài đời thực, phố cổ là khu thương mại, du lịch rất sầm uất.

Trên con đường Hạnh Phúc, khi gần về tới Huyện Mèo Vạc chúng ta sẽ được chứng kiến đệ nhất kỳ quan Đèo Mã Phí Lèng. Đây là một trong tứ đại đèo cao miền Tây Bắc là đèo Pha Đin (Điện Biên), đèo Khau Phạ (Yên Bái), đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai), và mã Phí Lèng. Từ đỉnh đèo, nhìn xuống dòng Nho Quế trong xanh, ta mới thấm thía câu nói: Hà Giang là những con đường từ thung sâu lên tới cổng trời. Cảnh ấy nằm ngoài mọi trí tưởng tượng. Ta còn biết thêm, ngày mở con đường đèo, công nhân phải treo mình trên vách đá dựng đứng bằng dây thừng, kiên nhẫn đục từng thớ đá…

Khi tới Hà Giang vào dịp cuối năm, từ những cánh đồng nơi thung sâu cho tới những khoảng đất trên vách đá, có những cánh đồng hoa tam giác mạch phớt tím. Tam giác mạch với du khách là hoa để chụp ảnh kỷ niệm, nhưng với người dân, nó còn là cây lương thực. Chúng ta có thể nếm thử nhiều loại bánh, kẹo làm từ bột tam giác mạch, được đồng bào bày bán ở chợ Đồng Văn, hoặc bất cứ hàng quán nào dọc con đường quốc lộ 4C.

Chúng tôi có một người bạn họa sỹ. Anh thường lên Hà Giang vẽ tranh. Rồi bẵng đi một thời gian, chúng tôi không gặp anh. Tưởng anh đi đâu, gần đây nhất gặp lại anh trên Mèo Vạc. Anh cười nói: Tôi đã ở lại hẳn trên này rồi.

Đấy sức hút của miền đất cao nguyên đá này là như vậy đấy!

Quality Travel

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *