Quality Travel – Cuối thu, đầu đông là khoảng thời gian đẹp và thơ mộng nhất của Hà Nội. Nhất là một Hà Nội cách nay chưa lâu lắm. Mọi sự cứ như thể đất trời gắng sức choàng một tấm tơ mỏng, trong suốt lên vạn vật, khiến tâm hồn người Hà Nội kín đáo nở những nụ cười.
Khi những làn gió heo may mang hơi sương mỏng nhuộm một sắc tím nhẹ lên những hàng cây, những con đường ngoại ô vắng vẻ, thì người ta đã náo nức chờ đón những đợt gió Đông Bắc đầu mùa. Và khi gió về, nhiều kẻ mơ mộng còn chưa thể tin. Họ rủ nhau ra ngoại ô làm chén rượu đón gió mới mà lòng vẫn tự hỏi, ừ gió lạnh về thật rồi nhỉ…
Lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy yêu những đợt gió đầu mùa nhiều lắm. Chúng tôi được mặc những bộ quần áo rét dày cộp thơm mùi băng phiến trông chững chạc, khác hẳn với thứ quần áo mùa hè, đứa thì quần thủng, đứa thì áo toạc ở nách, xấu hổ đến chết khi bọn con gái cứ nhè cái chỗ hở ấy mà đặt vè chế giễu…
Nhưng có một người luôn trở nên kín đáo u uẩn hơn mỗi khi gió về. Đó là ông giáo già ở cạnh nhà tôi. Ông là bạn học với ông ngoại tôi ở trường Tây từ tiểu học. Nhưng ông sống cô độc trong căn nhà cổ thâm u, với tôi có vẻ hơi rờn rợn. Trong khi ông ngoại tôi con cháu chật cả nhà…
Ông giáo già yêu thơ, hay đọc truyện Kiều bằng tiếng Việt, còn ông tôi thì đọc truyện Kiều qua bản tiếng Pháp. Đó là những gì khác biệt giữa hai ông già mà đến nay tôi còn nhớ được.
Mỗi khi trời trở gió, ông giáo già thường đọc mấy câu thơ:
Thấy rét u tôi bọc lại mền
Cô hàng cất rượu ủ thêm men…
Rồi ông lại lẩm nhẩm mấy câu gì đó bằng tiếng Pháp, thở dài, mắt nhìn xa xăm. Kể ra thì nghe thơ mộng thế, nhưng trước mấy hôm trở trời, có năm ông đau mình mẩy, nằm liệt mấy ngày. Gió mới về luôn khiến ông thấy thoải mái.
Tôi ngày ấy nghịch ngợm, trốn học, nhảy tàu điện lên chợ Đồng Xuân, trèo me, trèo cơm nguội, ra hồ Ba mẫu mò ốc, vào ga Hà Nội lấy trộm chì ắc qui về đúc xèng… thôi thì đủ cả. Và nhất là hay ăn nhãn, vải… tiện tay ném luôn xuống mái bếp nhà ông giáo già hàng xóm. Ông giáo biết nhưng không nói gì, vì ông thấy trên mái bếp cứ mọc lên những cây nhãn, cây vải nho nhỏ và đầy sức sống.
Nhân nói chuyện về cây cối. Ông giáo có cả một vườn cây cảnh, cắt tỉa chăm bón cẩn thận. Vườn cây theo từng mùa, mang đến cho ông những con bướm trắng, những con ong vàng cánh mỏng làm bạn.
Ông giáo yêu cái vườn cây nhỏ đằng sau nhà đó lắm. Những cây thông, cây si, cây đa… mang những cái cành nho nhỏ uốn lượn ngoằn ngoèo, cành thì nằm ngang, cành thì vươn thẳng rất sinh động, với những chiếc rễ chùm buông xuống thơ mộng như cây thật bên bến sông trên đường về quê ngoại của tôi. Bên cạnh những chậu cây cảnh, là những chậu hoa hải đường, hoa ngâu, hoa mai trắng với những cái cành gầy guộc, khẳng khiu.
Những cái cành mai trắng đó gợi tôi nhớ đến đôi cánh tay gầy guộc của ông giáo. Ông thường xắn tay áo sơ mi trắng lên lúc tưới hoa hay tỉa lá, và lộ ra hai cánh tay gầy như thế. Đặc biệt, ông sưu tầm được một giống hoa cúc màu trắng có những cánh hoa hình ống buông dài xuống mềm mại. Ông thường lẩm bẩm: Đây mới là giống mai và cúc mà Truyện Kiều nhắc tới, nét buồn như cúc, điệu gầy như mai…
Nhưng dù được chăm sóc kỹ lưỡng, và cẩn thận, nhưng sương muối đã khiến vườn cây cảnh trở nên ẻo lả, năm qua năm lần lượt úa vàng mà dần bỏ ông giáo cô độc ra đi.
Có lần tôi nghe ông nói với ông ngoại tôi, cái thằng tóc tai lởm chởm (tức là tôi ngày ấy) học hành sẽ không cao như chúng mình, nhưng nó sẽ tự do hơn chúng mình, nên hạnh phúc hơn chúng mình. Chúng mình chỉ giống như những chậu cây cảnh kia thôi.
Tôi chẳng hiểu gì, mà cũng chẳng quan tâm đến những lời nói ấy. Nhưng có lần ông giáo gọi tôi vào nhà, không phải để tìm cách dạy tôi tiếng La Tinh, hay tiếng Pháp, hay sinh ngữ Anh văn, hay toán đố, hay mắng tôi không có lịch sự toàn nhả hột lên mái bếp nhà ông, mà chỉ nói, cháu có thể không thích học, nhưng đừng bao giờ bỏ đọc sách, đọc thơ. Tôi tròn mắt, và đương nhiên chẳng hiểu gì. Nhưng tôi còn nhớ mấy câu thơ ông giáo đã đọc:
Hôm nay là xuân, mai còn xuân
Pháo đỏ đầy đường nhớ cố nhân
Cung nữ như hoa vườn Thượng uyển
Ai về Chiêm quốc với Huyền Trân…
Một năm, trước khi gió mùa về, ông giáo ốm nặng, rồi không trở dậy nữa. Bà con trong tiểu khu (tức là phường ngày nay) thương xót ông giáo nên cùng nhau tổ chức đám ma cho ông.
Tôi đi ngang cánh cửa gỗ tróc sơn, choàng sợi dây xích khóa hờ lỏng lẻo mà tự dưng thấy ngậm ngùi. Chẳng hiểu vì sao tôi lại hay nhớ tới những câu thơ ông giáo đã đọc cho nghe.
Rồi hai tháng trôi qua. Một buổi chiều, người công an khu vực dẫn một người con gái rất đẹp, nhưng ăn mặc khác hẳn những người phụ nữ lúc bấy giờ, đến mở cửa nhà ông giáo già. Con gái ông giáo từ Pháp về khóc cha đấy, mẹ tôi bảo.
Tôi sững sờ. Cô gái có đôi mắt trong như bầu trời ngày gió về, có khuôn mặt như Đức mẹ vẫn bồng Chúa Hài đồng trước Nhà thờ lớn… Và đặc biệt, ánh nhìn từ đôi mắt của cô cũng xa xăm như mắt ông giáo. Cô không để ý đến một thằng bé như tôi, và tôi cũng không có cơ hội nào để nói chuyện với cô cả. Nhưng tôi đã hiểu ra vì sao ông giáo thường đọc mấy câu thơ:
Cung nữ như hoa vườn Thượng Uyển
Ai về Chiêm quốc với Huyền Trân…
Và cô cũng không bao giờ biết rằng, tôi là người học trò cuối cùng của cha cô. Rằng với tôi, cha cô và chính cả cô nữa, vẻ đẹp u uẩn, xa xăm, đôi mắt trong ánh lên nỗi buồn lưu lạc, chính là hai người, hai vẻ đẹp đi theo suốt cuộc đời tôi.
Hàn Thủy Giang.