ĐÀ LẠT – NHẶT HOA THẤY LÒNG THƯƠNG KHÔNG BẾN BỜ !

Quality Trevel – Nhiều năm trước đây, người viết bài này còn nhớ, lần đầu tiên nghe đến tên Đà Lạt là qua một câu hát: ‘’Khách du tìm đến thành phố ngàn thơ, nhặt hoa thấy lòng buồn không bến bờ…’’. Rồi sau này mới biết đó là câu hát trong một ca khúc trữ tình viết về thành phố mù sương, ngàn thương ngàn nhớ của nhạc sỹ Minh Kỳ, một người nhạc sỹ xuất thân quý tộc Hoàng Gia, Nguyễn Phước Vĩnh Mỹ, cháu đời thứ 5 của Hoàng Đế Minh Mệnh.

Đà Lạt là một thành phố cao nguyên, có vị trí đặc biệt quan trọng. Vào thập niên 30 của thế kỷ trước, chính quyền của Hoàng Đế Bảo Đại từng có ý xây dựng Đà lạt trở thành thủ phủ của Đông Dương, thay thế cho Hà Nội. Nhưng rồi dự án không thành vì nhiều căng thẳng chính trị và bóng đen của cuộc chiến tranh Đông Dương sắp kéo tới.

Vì thế dấu ấn của Hoàng Gia để lại dày đặc trên Đà Lạt, vùng đất Hoàng Tiều Cương Thổ, với 3 dinh thự được mang tên Bảo Đại, với hệ thống các đường ngầm nối tới một số biệt thự khác. Ngày nay, các dinh đó đều biết thành các địa điểm kinh doanh du lịch, như bảo tàng hay nơi nghỉ dưỡng, mang dáng vẻ sang trọng như của các lâu đài Hoàng Gia Châu Âu.

Cùng với hệ thống các biệt thự, những ngôi nhà thơ mộng ẩn mình trong hoa, dưới những tán thông, bên những con đường rải sỏi trắng uốn lượn theo sườn đồi thoai thoải, những hàng rào sơn trắng trong sương thơ mộng, các công trình kiến trúc quan trọng như tòa nhà thư viện, nhà ga xe lửa, nhà thờ Con Gà… đã làm thành một quần thể kiến trúc Gothic, một vẻ vàng son, tuy có nong tróc đó đây, của một thời Đông Dương vàng son.

Ở nơi khung cảnh trữ tình đến mức, con người lạc tới nơi đây, có khi sửng sốt mà bất ngờ nắm lấy tay nhau đó, tiếng chuông của thiền viện Trúc Lâm từ xa vọng lại, lại khiến ta bừng tỉnh. Thiền viện là công trình mới xây cách nay khoảng hơn ba chục năm, trên diện tích 30 ha, thuộc quả đồi Phượng Hoàng trông xuống Hồ Tuyền Lâm xanh ngắt, cách trung tâm thành phố 5km.

Cùng với các nhà thờ Công Giáo, như Học viện Giáo Hoàng, nhà thờ Domain De Marie, nhà thờ Con Gà… bên cạnh vô số những ngôi chùa nằm trên các quả đồi, và thiền viện Trúc Lâm… đã làm nên một không khí trang nghiêm, tịnh tu của miền đất có hai mùa, mùa sương sa và mùa hoa nở này.

Nhưng dù Đà lạt nổi danh với nhiều công trình kiến trúc dân sinh, kiến trúc tôn giáo, với quy hoạch một thành phố thơ mộng có những con dốc luôn đầy hoa nở, thì ta vẫn không thể không tới những nơi mà cảnh sắc còn nét hoang vu, mang đậm dấu ấn bản địa, như thác Datanla, thung lũng vàng núi Langbian, hay xã Lát của đồng bào dân tộc K’Ho với cấu trúc xã hội theo mẫu hệ độc đáo…

Trước đây nhạc sỹ Minh Kỳ ví Đà Lạt như thành phố ngàn thơ, rồi nay chúng ta đều gọi là thành phố ngàn hoa… Tên nào cũng hay. Nhưng người viết bài này riêng thấy cái tên thành phố ngàn thương là đúng nhất. Thương lắm những buổi sáng tinh mơ, sương mù còn dày đặc, nhưng ta vẫn thấy lấp ló ánh đèn qua những khung cửa sổ nhỏ, có hàng chấn song sơn trắng, và chủ nhân khe khẽ tưới nước cho mấy chậu hoa. Thương lắm lúc bình minh lên vào mùa dã quỳ vàng rực cả đất trời, và muôn hoa khác như cẩm tú cầu…  rực nở. Thương lắm sau cơn mưa, nhìn về cao nguyên Lâm Viên bừng nắng, và suối Cam Ly ầm ào chảy ngang thành phố. Và thương lắm cho ai mang cuộc đời lẻ bóng, cúi mình trên con đường dốc, nhặt cánh hoa rơi mà mang nỗi buồn không bến bờ.

Ngay cả là thế, ta vẫn thương…

Quality Travel

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *