CAU XANH, VÔI TRẮNG, ĐỎ TRẦU…

Quality Travel – Nói về cái tình cái nghĩa của người Việt, có lẽ không còn một câu chuyện nào đặc sắc hơn chuyện trầu cau. Cơ duyên nào, con người nào đã chọn được ba phẩm vật của thiên nhiên: vôi, quả cau, lá và vỏ cây trầu không để cùng hòa quyện nên miếng trầu, nhai trong miệng trở nên thắm đỏ, tràn ngập vị thơm cay nồng? Và tại sao từ sự kết hợp của ba phẩm vật đó, người ta lại sáng tạo ra một câu chuyện tình nghĩa dựa trên mô típ quan hệ ba phía trong gia đình?

Chuyện trầu cau có nhiều cách kể với các chi tiết khác nhau. Nhưng tôi nghĩ, xu hướng lãng mạn hóa để quan hệ giữa hai anh em cùng yêu một người con gái là một cách nghĩ của thời hiện đại. Cách nghĩ đó có vẻ phù hợp với xu hướng thẩm mỹ mới, nhưng lại làm giảm đi sự sâu sắc trong tính biểu tượng của câu chuyện cổ.

Ba nhân vật trong tích truyện, người anh, vợ, và người em trai, luôn ở ba vị thế độc lập, nhưng lại gắn với nhau bằng những mối quan hệ đầy mong manh, tế nhị. Những mối quan hệ đó hàm chứa tất thảy sự bất trắc của đời sống, ngụ ý đến tính bất toàn của cuộc đời này. Nhưng họ không thể lìa xa nhau, cũng như chúng ta không thể lìa xa sự sống, dù biết nó có bất toàn đến thế nào đi nữa. Một hiền giả Ấn Độ từng nói: “Sống là thương tổn, nhưng rút lui là cô độc, là cái chết”. Bởi thế, câu chuyện trầu cau đã chạm tới được một vẻ đẹp đặc biệt, vẻ đẹp trong sự bất toàn, trong nỗi bất hạnh, cái đẹp đó là tuyệt đối.

Có lẽ câu chuyện tuyệt mỹ này đã góp phần khiến tục ăn trầu có sức lan tỏa trong xã hội và tồn tại mấy nghìn năm? Cùng với tục ăn trầu, tục xăm mình, tục nhuộm răng đen, đã làm nên một phần chân dung văn hóa người Việt. Ngày còn thơ ấu, tôi vẫn nghe các bà hát ru cháu rằng:

 Cau xanh, vôi trắng, đỏ trầu

Phấn hương chi mải, thêm rầu hồng nhan

Những câu thơ đó rực rỡ như một bức tranh, bởi trong nó ngập tràn màu sắc: xanh của cau, trắng của vôi, đỏ của trầu, rồi màu phấn hương, rồi má hồng, răng đen… Và nét hội họa đó hẳn đã luôn giúp những thế hệ người Việt lưu giữ hình ảnh ăn trầu trong ký ức.

Trầu cau tuy là thứ nhai chơi, đơn sơ, nhưng têm trầu, mời trầu, ăn trầu lại là một nghệ thuật tinh tế, nói lên tính cách, địa vị, đẳng cấp văn hóa của con người trong xã hội.

Bộ đồ ăn trầu thường có cơi đựng trầu bằng đồng, hoặc quả trầu khảm xà cừ, ống vôi chạm bạc, ống nhổ bằng đồng thau đựng quết trầu. Người già ăn trầu còn có thêm cối giã bằng đồng chạm khắc tinh vi, chỉ bỏ vừa miếng trầu, miếng cau, vỏ để giã.

Dao bổ cau phải sắc để bổ cho đẹp miếng, hạt không bị vỡ. Người ta không cho cả cau, trầu và rễ vào miệng nhai cùng một lúc, mà ăn từng thứ một. Khi ăn người ta thường lấy tay quệt ngang miệng, lâu dần tạo thành nét môi cắn chỉ, một nét đẹp hòa hợp với hàm răng nhuộm đen huyền óng ả.

Người Việt xưa và nay luôn coi việc têm trầu là một nghệ thuật. Qua cử chỉ têm trầu, ăn trầu, người ta có thể phán đoán phong cách, tính nết cũng như nếp sống của một người. Chính vì thế mà trước đây, khi xem mặt nàng dâu tương lai, nhà trai thường đòi bằng được cô gái ra têm trầu. Một là xem mặt, hai là xem cử chỉ têm trầu. Miếng trầu têm vụng là người không khéo tay, trầu nhỏ cau to là người không khéo đường làm ăn, trầu quệt nhiều vôi là người vụng đường tiết kiệm, lo xa…

 

Tinh tế và tình tứ, nên bao đời người ta đã ví von, nào là “trầu giải yếm giải khăn”, “trầu loan trầu phượng”, “trầu tôi trầu mình”, nào là “trầu tính trầu tình”, “trầu nhân trầu ngãi”, để rồi thành “trầu mình lấy ta”, “trầu nên vợ nên chồng”…

 

Chuyện mình lấy ta, chuyện nên vợ nên chồng xưa nay luôn có dư vị của nước mắt như chuyện trầu cau của cổ nhân. Tôi có một người cô họ, mà như văn chương thường nói, là đứa con lưu lạc của gia đình. Mười sáu tuổi, cô bỏ yếm thắm khăn đào đi theo một người lính trong quân đội viễn chinh Pháp. Những người con gái thời đó, vướng phải câu chuyện như cô, thường phải gánh trên đôi vai mình cơn thịnh nộ của gia đình, dòng họ, lời chê bai của làng xóm. Người ta chịu sao nổi một truyền thống, một nếp sống cả nghìn năm nay bị đứt một mắt xích, cho dù những cô gái ngoan, cam chịu khác cũng đâu có số phận khá hơn gì.

 

Đời là bể khổ, bể oan. Bố mẹ cô tôi coi như không có cô. Ký ức về cô cứ nhạt dần. Đất nước thống nhất, rồi mở cửa, cả họ mới lại hay tin về cô. Cô đang sống trên đất Mỹ, một vùng hẻo lánh gần biên giới Canada cùng gia đình đa chủng tộc của mình.

 

Tin tức bay về khiến đôi mắt héo khô của mẹ cô bùng lên chút sinh khí. Bao nhiêu nhớ mong, bao nhiêu ân hận khiến bà, trước ngày mất một tuần, cứ kê ghế ngồi ngoài cổng. Ai hỏi, bà chỉ bảo bâng quơ, rằng bà đang ngồi đợi con đông con tây về để trả cho nó cái nhẫn vàng. Cái nhẫn dấm dúi ấy, cô tôi đã trả lại bà khi bị đuổi ra khỏi nhà, khăn gói theo người chồng ngoại quốc.

Ngày cô tôi về thăm quê, bà đã mất. Cô tôi khóc và run run đặt lên bàn thờ mẹ một bộ đồ ăn trầu bằng bạc nhỏ bà sắm cho cô năm xưa. Bộ đồ ấy đã theo bước chân lưu lạc của cô tôi đi cả vòng trái đất.

Những câu chuyện đời, như chuyện cô tôi, ở đất này chắc không phải hiếm. Trầu loan, trầu phượng có khi còn ít người biết, nhưng miếng trầu cuộc đời hẳn ai cũng từng một lần nhai giập. Cau xanh, vôi trắng, đỏ trầu. Màu đỏ ấy cũng hẳn ít ai ngờ tới…

 

PHÚC MIÊN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *