BÍ ẨN NỤ CƯỜI MỸ SƠN

Quality Travel – Ai có dịp qua khu thánh địa này của Vương quốc Chăm cổ, dù ghé vội hay có chút thời gian ngồi bên thềm tháp cổ, đều bị nắng vàng rọi chiếu nơi này mê hoặc. Ta sẽ không thể biết, màu nắng đó, vàng mê đắm đó, là từ vầng dương chiếu xuống riêng cho nơi này, hay là màu nắng đó hắt ra từ những bờ tường của những ngôi tháp cổ, rồi giao thoa với nhau… Ngồi một lát, dường như từ màu nắng đó lấp lóa một nụ cười bí ẩn…

Thánh địa Mỹ Sơn là quần thể di tích đền đài Chăm Pa, thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cách Trà Kiệu 20 km, cách thành phố Hội An 45 km về phía Tây, cách thành phố Đà Nẵng 68 km về phía Tây Nam, cách cố đô Huế 145 km về phía Nam. Khu vực này nằm trong một thung lũng có đường kính rộng chừng 2 km, bao quanh là đồi núi trùng điệp. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế cũng như là khu vực lăng mộ các vua quan, hoàng thân quốc thích của những vương triều Chăm Pa xưa.

Tổng thể thánh địa gồm hai ngọn đồi, đối diện nhau theo hướng Đông – Tây, và ngay tại ngã tư của một con suối, các nhánh suối đã trở thành ranh giới tự nhiên, chia nơi đây thành bốn khu vực A, B, C, D. Cách chia này tránh được tình trạng xé lẻ các tổng thể kiến trúc. Trung tâm Thánh địa là một tháp chính, gọi là Kalan, và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Tháp chính có hai cửa theo hướng đông tây, mỗi cửa có 8 bậc cấp để đi lên và các vòm cuốn. Trên mỗi vòm cuốn là một hình tháp thu nhỏ. Theo những tài liệu để lại thì đây là ngôi tháp cao nhất trong các tháp Thánh địa Mỹ Sơn, với chiều cao 24m, đáy tháp hình vuông, mỗi cạnh dài 10m. Trong tháp thờ một bộ Linga – Yoni lớn. Thực tế nay chỉ còn một bệ đá Yoni. Phần trên tháp có 3 tầng, các tầng nhỏ dần lại và trên cùng là đỉnh tháp bằng sa thạch. Ở mỗi tầng đều có cửa giả, có hình người đứng dưới vòm cuốn. Hai cửa giả hai bên là hai vòm cuốn chồng lên nhau, trang trí hoa văn rất tinh xảo.

Thánh địa là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp, mang nhiều phong cách kiến trúc điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Champa. Phong cách kiến trúc ở đây được chia làm sáu: phong cách cổ, Hòa Lai, Đồng Dương, Mỹ Sơn, PoNagar và phong cách của người dân Bình Định. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Hindu giáo.

Kỹ thuật điêu khắc trên gạch của người Chăm rất ít xuất hiện trong các nghệ thuật khác ở khu vực khác. Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, nơi cư ngụ của các vị thần Hindu. Cổng tháp thường quay về phía Đông để nhận ánh sáng mặt trời. Tường bên ngoài tháp thường trang trí hoa văn, lá cuốn hình chữ S nối liền nhau. Các vật trang trí là tượng điêu khắc bằng sa thạch hình Makara, con thú thần thoại có nanh nhọn và vòi dài, hình vũ nữ Apsara, sư tử, voi, chim thần Garuda, tượng người cầu nguyện. Chúng được xếp khít với nhau, và đến ngày nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào xác định được chất kết dính hình người, hình thù lên tháp. Điểm nổi bật của nghệ thuật điêu khắc Chăm là thể hiện sức sống mãnh liệt của con người, với nội tâm lúc bay bổng sảng khoái, lúc trầm tĩnh ưu tư, lúc lại trăn trở, day dứt. Mỗi một giai đoạn lịch sử đều mang dấu ấn riêng, với những đường nét kiến trúc khác biệt. Thánh Địa Mỹ Sơn Quảng Nam không chỉ cho thấy kiệt tác ghi dấu của một nền kiến trúc Champa, mà còn của cả nền văn hóa khu vực Đông Nam Á. Và năm 1999 đã được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới.

Đến đây, đắm mình trong nắng, hay bị hút hồn vào những nụ cười bí ẩn nở ra từ nắng, chúng ta dường như thấy lại cả một bức tranh đồng hiện, về một vương quốc cổ kính, với những điệu múa, những nghi lễ thiêng liêng… mà từ lâu đã chìm vào vực thẳm của thời gian, chìm vào cát bụi của lịch sử. Nhưng, như người ta vẫn nói, con người có thể quên, nhưng mặt trời vẫn luôn rọi sáng. Nơi thiêng liêng này là như thế.

Quality Travel

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *